TT - Sông Mekong dài 4.800km, diện tích lưu vực 595.000km2, do phụ thuộc vào địa hình, địa chất và thủy thế nên chảy quanh co, uốn khúc qua sáu nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Các nước có dòng sông Mekong chảy qua đều có chiến lược, kế hoạch khai thác nguồn nước vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội.Hoạt động hợp tác sông Mekong có từ cuối thập niên 1950 cho đến nay, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, thậm chí còn phụ thuộc vào thiện chí của các nước thành viên cho nên người ta nhận xét hoạt động này đôi khi quanh co như dòng sông Mekong!
Tuy nhiên, Mekong là con sông quốc tế, đòi hỏi có sự hợp tác, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên vì quyền lợi chung của tất cả các quốc gia trong lưu vực. Hiệp định hợp tác Mekong giữa bốn nước hạ lưu Mekong bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và VN năm 1995 (MRC) là cơ sở pháp lý để các nước ven sông cùng nhau xây dựng các chương trình chung như quy hoạch phát triển lưu vực (BDP), chương trình môi trường (EP), chương trình quản lý lũ giảm nhẹ thiên tai...
Riêng hai nước thượng lưu là Trung Quốc và Myanmar vì lý do riêng vẫn từ chối tham gia hoạt động của Ủy hội sông Mekong (MRC) nên thực tế vẫn chưa nhất trí được dòng chảy môi trường về mùa khô của cả lưu vực.
Thời gian gần đây, công luận cả trong và ngoài nước đều quan tâm, lo ngại về việc các nước ở thượng lưu Mekong tiến hành xây dựng các nhà máy thủy điện và đập dâng sẽ gây tác động đến dòng chảy và môi trường sinh thái. Người ta quan ngại nhất là Trung Quốc đang xây dựng tám đập thủy điện ở Lan Thương (thượng nguồn Mekong nằm trong tỉnh Vân Nam) có khả năng chứa hơn 23 tỉ m3 nước. Trước đây, khi Trung Quốc hoàn thành hai đập thủy điện đầu tiên có quy mô vừa phải
là Manwan và Dachaoshan cũng đã gây lo ngại cho các nước hạ lưu. Theo báo cáo ngày 21-5 của Liên Hiệp Quốc, việc Trung Quốc xây dựng một loạt đập lớn ở thượng lưu sông Mekong, trong đó mới hoàn thành đập thứ ba Tiểu Loan cao nhất thế giới 292m với công suất 4.200 MW, sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng cho con sông vốn là nguồn nước trọng yếu nhất khu vực Đông Nam Á.
Chắc chắn các đập thủy điện sẽ gây thiệt hại cho các nước thượng lưu như mất đất làm hồ chứa, di chuyển dân cư, thay đổi môi trường. Tác hại lớn hơn cả là ảnh hưởng trực tiếp đến các nước hạ lưu như thay đổi chế độ dòng chảy, giảm lượng phù sa, ngăn cản luồng cá di cư, đảo lộn quá trình sinh sản, nhiều loài thủy sinh sẽ biến mất vì không thể thích ứng với môi trường sinh thái mới.
Điều đáng lo nhất là các nước hạ lưu không ai nắm được cụ thể quy trình vận hành các nhà máy thủy điện của các nước nằm ở thượng lưu. Theo tôi biết, phía Trung Quốc chỉ có thông báo một số thông tin từ hai trạm thủy văn về mùa lũ, không có số liệu về mùa khô cho nên muốn tính toán, kiểm tra lại quy trình vận hành là rất khó khăn, nan giải. Mặc dù thiên nhiên đã ưu ái cho chúng ta một công trình điều tiết tự nhiên vô giá đó là Biển Hồ, nhưng theo tác động dây chuyền domino và sự khai thác sử dụng dòng sông Mekong ồ ạt cho mục đích phát điện và nông nghiệp ở các nước thượng lưu sẽ ảnh hưởng tác hại cả về số lượng và chất lượng nước của ĐBSCL.
Trong xu thế hội nhập của thế giới, việc khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong là quyền lợi chung của tất cả các nước trong lưu vực. Cần quan tâm, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế trong việc khai thác sử dụng các lưu vực sông quốc tế và quảng bá các nguyên tắc này nhằm thiết lập một hệ thống quốc gia cho các hoạt động khai thác nguồn nước; theo dõi việc sử dụng nguồn nước sông quốc tế trong lãnh thổ VN cả về số lượng và chất lượng, cụ thể là hai trạm chính ở Tân Châu và Châu Đốc; quảng bá kinh nghiệm của VN trong các diễn đàn quốc tế nhằm nâng cao uy tín của VN trong việc giải quyết các vấn đề cần thương lượng.
Con sông Mekong có thể quanh co nhưng thái độ hợp tác của các nước ven sông phải rõ ràng vì quyền lợi chung của cả lưu vực. Ngoài việc tăng cường hợp tác hoạt động qua khuôn khổ bốn nước hạ lưu của MRC, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành của VN qua các chương trình hợp tác song phương và đặc biệt là Sáng kiến tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) có đầy đủ cả sáu thành viên Mekong.
Trong tương lai, thế giới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng về nước, không hẳn chỉ vì thiếu lượng nước để dùng mà còn vì chất lượng nước tồi tệ đến mức không sử dụng được. Ban đầu là con người không thể uống được, kế đến là không thể nuôi trồng thủy sản và tiếp nữa là không thể tưới tiêu. Nếu không có các biện pháp đối phó thích hợp thì chẳng bao lâu câu ta thán nổi tiếng của người phương Tây “Water, water everywhere, not a drop to drink” (Nước, nước ở mọi nơi, nhưng không một giọt uống được) sẽ trở thành hiện thực ở vùng châu thổ sông Mekong!
Nguồn: TS Tô Văn Trương, Quanh co như sông Mekong,
Tuoi Tre Online, http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=318063&ChannelID=87, retrieved on May 26 2009